Cung đường tham quan và trải nghiệm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ

Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là một trong mười di tích cấp Quốc gia đặc biệt được xếp hạng đầu tiên trong cả nước năm 2009; là nơi ghi dấu Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lững lẫy năm châu, trấn động địa cầu” của quân và dân ta năm 1954. Đến nay, Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần, nằm trên địa bàn huyện Điện Biên, Tuần Giáo và thành phố Điện Biên Phủ

Cách đường Quốc lộ 6 khoảng 10km là Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng thuộc địa phận xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ. Nơi đây là khu rừng nguyên sinh được chọn làm nơi đóng quân của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Những căn lán nhỏ đơn sơ giữa rừng Mường Phăng cùng cuộc sống giản dị, thiếu thốn nhưng không thể nào đánh bại được ý chí quật cường, lòng yêu nước và trí tuệ của những người Chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Du khách tham quan di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Đện Biên Phủ tại Mường Phăng

Trên cung đường từ Mường Phăng về thành phố Điện Biên Phủ,  Di tích đường kéo pháo bằng tay và trận địa pháo 105mm của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ngay hai bên đường, rất thuận tiện cho du khách ghé thăm.

Di tích trận địa pháo 105mm

Trung tâm Đề kháng Him Lam được mệnh danh là “cánh cửa thép” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ – nơi diễn ra trận đánh mở màn ngày 13/3/1954 và cũng là thắng lợi đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Chiến Điện Biên Phủ năm 1954. Với ý nghĩa lịch sử quan trọng ấy từ năm 2014, tỉnh Điện Biên chọn ngày 13/3 hàng năm là ngày khai hội cho Lễ hội Hoa Ban, với các chuỗi sự kiện lễ hội văn hóa vô cùng phong phú hấp dẫn.

Di tích Trung tâm Đề kháng Him Lam

 Di tích đồi A1 – nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất và hy sinh nhiều nhất của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong 56 ngày đêm bão lửa của chiến dịch Điện Biên Phủ thì trận đánh tại đồi A1 diễn ra 39 ngày đêm với hơn 2.500 chiến sĩ hy sinh trên ngọn đồi này. Lên thăm Di tích Đồi A1 vẫn còn những dấu tích của trận đánh ác liệt năm xưa như: xe tăng 18 tấn, căn hầm cố thủ cùng hệ thống hầm, hào của Quân Pháp trên đỉnh đồi và hố bộc phá 960 kg của Quân đội nhân dân Việt Nam đánh vào mục tiêu của Quân Pháp đã được trùng tu, tôn tạo vào năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

 Di tích đồi A1

Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ còn gọi là Hầm De Castries từng là công sự kiên cố nhất, nằm ở vị trí trung tâm, được coi là “trái tim”,  “linh hồn” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Căn hầm nằm ở trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với những hệ thống hỏa lực, các loại vũ khí tối tân nhưng tất cả đều phải bại trận trước những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hầm De Castries

Cầu Mường Thanh quân Pháp gọi là cầu Bailey – cây cầu sắt do người Pháp xây dựng bắc qua sông Nậm Rốm tại Điện Biên Phủ để tiếp viện giữa Phân khu Trung tâm với dãy đồi phía Đông, cầu dài 40m, rộng5m và đã trở thành cây cầu lịch sử đón tiếp bước chân của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam sang bắt sống tướng De Castries vào chiều 07/5/1954. Cây cầu hàng ngày vẫn đón tiếp những người dân và du khách đi qua như nét huyền nối tiếp giữa quá khứ – hiện tại và tương lai.

Cầu Mường Thanh

Biểu tượng cho sự chiến thắng, hoà bình và đoàn kết đó chính là Tượng đài chiến thắng trên Di tích Đồi D1. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ là Tượng đài bằng đồng lớn nhất và duy nhất nằm trong dự án các công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Di tích đồi D1 vinh dự được chọn làm địa điểm đặt Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật với cụm tượng đài bằng đồng có trọng lượng  217 tấn. Nơi đây được coi như công viên của hòa bình, hợp tác và phát triển.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ

Công trình Trung tâm Văn hóa hội Cựu chiến binh Việt Nam trên Di tích Đồi E là nơi du khách đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sĩ. Nơi đây có trưng bày các hình ảnh, tặng phẩm của Cựu chiến binh cả nước tặng đồng bào tỉnh Điện Biên.

Trung tâm Văn hóa hội Cựu chiến binh Việt Nam trên Di tích Đồi E 

Ngoài ra công trình Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ trên Di tích Đồi F là công trình đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào tử nạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ trên Di tích Đồi F

Về với Điện Biên hôm nay, quý khách sẽ cùng được ôn lại chiến thắng hào hùng của dân tộc, cùng gặp lại những con người đã một thời làm nên lịch sử, cùng khám phá trải nghiệm vẻ đẹp tiềm ẩn của những danh lam, thắng cảnh, các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, cùng tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của 19 dân tộc anh em. Hi vọng sẽ sớm gặp lại quý khách trên mảnh đất Điện Biên Phủ để chúng ta cùng nhau khám phá và trải nghiệm.